Bước đi bằng "đôi chân vô hình", "đôi tay run run có lửa". Đó là tôi trong suy nghĩ của mọi người
Như câu thơ trìu mến từ GS-TS-NGND Nguyễn Lân Dũng đã dành tặng, dịp thầy đến thăm tôi năm 2013: "Xương rồng bé bỏng tài hoa/ Tự tin vui sống ai mà chẳng yêu/ Mong sao sức khỏe thêm nhiều/ Bạn bè đông đúc sớm chiều hân hoan".
Tuổi thơ và biến cố Ngày nhỏ, tôi cũng được sở hữu dáng vẻ khỏe mạnh, hoạt bát. "Con bé xinh, giỏi, lớn lên bố mẹ tha hồ hãnh diện". Nhiều người dự đoán, tấm tắc. Nhưng nào ai biết chữ ngờ? Biến cố ập xuống, tôi bệnh nặng. Bác sĩ không thể chẩn đoán chính xác, mỗi giai đoạn là một dạng kết quả. Không biện pháp cứu vãn, cơ thể bị các biến chứng thương tổn chồng chất. Chỉ sau nửa năm đã hoàn toàn rơi vào cảnh vô vọng. Mười hai tuổi, tôi nằm liệt giường.
Bé bỏng là thế, đột ngột hứng chịu số phận rẽ hướng. Từ bình thường thành tàn tật, đau đớn xương tủy như đàn ký sinh trùng rúc rỉa tàn phá… Tôi vật vã. Bố mẹ, hai bên nội ngoại không bỏ cuộc chạy chữa, đưa tôi đi khắp các bệnh viện. Bác sĩ tây y, đông y đều lắc đầu, trả về. Tôi suy kiệt nhanh chóng, tứ chi teo tóp, mất hoàn toàn năng lực vận động cơ thể, cả người oằn lên gồng gánh cơn sưng tấy, nhức buốt khủng khiếp giày xéo. Đã có người nhắc khéo bố mẹ tôi chuẩn bị tinh thần… mất con. Song, sự bền bỉ, tình yêu thương vô hạn của người thân đã mang tới cho tôi hy vọng sống. Để cứu tôi, dù ngày hè nóng nực hay mùa đông lạnh buốt, gia đình đều vây quanh túc trực, liên tục xoay vòng lo liệu mọi thứ cần thiết, mỗi người một bên xoa bóp khắp cơ thể giữ cho tôi không bị co quắp...
Năm 1999, nhà tôi quá nát, tuềnh toàng. Các bác quyết định nội ngoại gom góp công của, xây chốn nương thân mới để tôi ở cho có sinh khí, tránh việc nằm chỗ ẩm thấp sẽ ảnh hưởng thêm. Mỗi lần đến thăm tôi, người thân lại chu cấp tiền, thức ăn bồi bổ. Bố mẹ "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", cẩn thận chăm sóc, bón từng thìa sữa, thìa bột, không lời nặng nhẹ, mọi thứ tôi cần hai đấng sinh thành đều cố gắng đáp ứng. Ai cũng níu tôi ở lại với đời… Tình thương vô biên ấy khiến tôi không cho phép mình trở nên bất hạnh hơn. Dẫu da thịt tím bầm vì triền miên trị bệnh, chân tay chi chít kim châm, từ trên đùi trở xuống trầy trợt không thể hồi phục do hậu quả của phương thức gây nóng, da của tôi khi ấy cực kỳ non mỏng nên đã không chịu nổi dẫn đến bị bỏng... Gân, cơ, xương... đều tổn hại nghiêm trọng. Kinh hoàng, sợ hãi... không gì không nếm trải! Ấy vậy mà tôi sống. Còn sống thật bản lĩnh, mọi người nói vậy. Dù thuở ấy tôi là đứa trẻ. Nhưng tôi hiểu: Vì có gia đình mà mình vượt qua!
Nỗ lực sống có ích
Từ năm 1997, không thể tự chăm sóc bản thân, mọi sinh hoạt của tôi đều cần người thân. Nằm trên giường, đau đáu ánh mắt nhìn qua cửa, thèm khát đôi chân đứng lên bước đi, hình dung con đường trước kia ngày nào mình cũng đến trường... Tôi ứa nước mắt, không dám để bố mẹ thấy. Tha thiết nghĩ: Làm thế nào vươn lên, đừng vô dụng?
Nhiều lần, bố mẹ xin sách, báo cũ cho con vì biết tôi ham học. Tập luyện chữ ở tư thế nằm ngửa, tôi làm văn thơ, thử viết bài cho Báo Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò... Quanh mình bộn bề giấy tờ, sách vở và... mùi thuốc. Tay trái căng ra giữ bảng kê với giấy, tay phải đã bị co cứng hoàn toàn thì cầm bút bằng hai ngón, không khỏi vô số lần thất bại, không điều khiển được như ý, dụng cụ kê để viết rơi úp cả vào mặt đau điếng. Những giọt nước mắt lăn ròng, gắng kìm lại, sợ bố mẹ phát hiện sẽ thêm khổ sở xót con. Cứ vậy, trước mặt mọi người tôi vẫn lạc quan, thậm chí thường nở nụ cười... Đấy là điều duy nhất tôi có thể làm khi đó để an ủi bố mẹ.
Không phủ nhận thuở đầu tôi từng sợ khi nhìn đến thể xác mình. Tâm lý mặc cảm đôi lúc nhen lên, ngại gặp người lạ. Phải đấu tranh tư tưởng, giằng xé tinh thần để qua cảm giác ấy. May thay, tôi biết tư duy tích cực, dần có mong mỏi tiếp xúc với xã hội, cộng đồng. Đồng thời, cần mẫn khắc phục khó khăn. 25 năm thể xác bất động đã qua, trời không phụ người yêu đời, từ năm 1999, tôi có bài đầu tiên được lên mặt báo, sau đó là các thành quả lao động trí óc với hơn 20 bằng khen - giấy khen từ các bộ - ban ngành - đoàn thể, 8 đầu sách đã xuất bản cùng nhiều chương trình, sự kiện được tham dự mang năng lượng tinh thần lan tỏa tới mọi người. Càng ngày tôi càng tự tin, dám đối diện với thế giới bên ngoài, hiện diện trước công chúng…
Chọn cách mỉm cười
Không dừng ở nỗi đau thể xác, quá khứ của tôi có nhiều biến cố.
Bố yếu sức hẳn từ năm 2014, cơ thể nghiêng lệch một bên, đi đứng khó khăn, người về với cát bụi là mất mát tột cùng của gia đình. Cũng năm 2014, mẹ tôi ung thư vú, phải cắt một bên, điều trị hóa chất… và khi đó em trai tôi cũng gặp nạn.
Sau vài tháng, tóc mẹ tôi rất nhanh đã không còn sợi nào. Trong đêm thâu, tôi nằm co mình nghe tiếng kim đồng hồ tịch mịch, nước mắt chảy dài thấm đẫm trên gối. Mẹ bên cạnh bứt rứt do bệnh nên không thể chợp mắt, chợt hỏi: "Mẹ trọc trông có đáng sợ không?". Tôi gượng cười: "Bệnh tật con không sợ, sợ gì người trọc tóc?". Đến khi tóc mẹ mọc, không dày như trước, xoăn lại, mẹ ngại. Tôi an ủi: "Người ta muốn có mái tóc xoăn là phải đi tiệm, còn tóc mẹ là tự nhiên, đẹp mà!".
Mẹ kiên cường, chịu thương chịu khó, vượt qua bao nỗi đau. Tôi xót mẹ. Từ khi con gái tật nguyền, mẹ gạt đi những cái vui riêng, chỉ biết tới gia đình. Gần chục năm trước, có lần mẹ đi ăn cưới cô bạn thân của tôi, sợ mẹ tủi, đêm tôi tâm sự: "Mẹ đừng chạnh lòng khi thấy con gái nhà người ta xây dựng gia đình mà con gái mẹ thì không. Mẹ biết đấy! Chỉ là con lý trí. Có anh nào ngỏ lời với con thì mẹ đều biết, họ xin phép mẹ để yêu con đấy thôi. Nhưng con không mơ mộng chuyện nam nữ, để dành tâm huyết cho những điều quan trọng khác. Mẹ chỉ cần hiểu như vậy, đừng tổn thương mẹ nhé!". Mẹ quay sang ôm tôi...
Mấy mươi năm đời mình, nỗi đau nhiều hơn sự bình an, nhưng bởi thế tôi càng trân quý từng giây phút đang sống và chọn cách mỉm cười đối diện số phận.
Tôi vẫn đang tìm từng cơ hội để vươn mình. Dẫu còn nhiều điều tôi chưa thể thực hiện, trong tâm luôn ấp ủ hoài vọng sống có ích hơn nữa, nhưng với những gì quá khứ tôi đã dốc sức, dốc tâm huyết để làm người và sinh tồn ý nghĩa, tôi biết ơn cuộc đời, gia đình, cộng đồng và chính bản thân!
Tình đời ấm áp
Trước kia, người anh thân yêu của tôi đã nói: "Em là cây tùng bách đứng trước phong ba bão táp vẫn kiên cường và xanh tốt. Luôn kiên định, bền gan, không bao giờ khuất phục số phận. Sau cái lạc quan bên ngoài, em mạnh mẽ chiến đấu cả trong nội tâm để sống được cứng cỏi như ngày hôm nay...".
Từ xưa, tôi cũng may mắn được có duyên thiện lành đến bên mình, từ những người xa lạ trở nên thâm giao, nhiều kỷ niệm. Từng hành động, cư xử, chia sẻ về lòng tử tế ở họ mang đến cho tôi nhiều hồi ức sâu sắc mà mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy tình đời ấm áp.
Trích Bài dự thi"Từ trong ký ức" - Viên Nguyệt Ái - Báo người lao động
留言