Một mùa trung thu nữa lại về, không khí Tết Trung thu đang gõ cửa từng ngôi nhà từ khắp làng quê cho đến những con phố. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, và Trung thu cũng vậy, đều sẽ có những thay đổi gắn liền với cuộc sống hiện đại của con người, cách chơi Trung Thu của thế hệ hiện nay đã đôi phần khác với cách cha ông ta ngày xưa đã làm. Hòa chung không khí đó, hãy cùng Sadu bàn luận và suy ngẫm về sự khác biệt giữa Trung thu xưa và nay như thế nào nhé !
1.Mâm cỗ trung thu
So sánh mâm cỗ Trung thu xưa và nay thì mâm cỗ truyền thống thường chỉ có 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành. Chủ yếu là bưởi, hồng, chuối,… cùng bánh nướng, bánh dẻo hình con lợn, con cá. Nhà nào tỉ mỉ hơn thì làm thêm con chó lông xù được kết từ những tép bưởi. Còn mâm cỗ ngày nay hiện đại hóa với hàng chục loại bánh kẹo nội, ngoại nhập, hoa quả cũng phong phú hơn. Nhờ vậy, nhìn mâm cỗ cũng bắt mắt và thêm phần trang trọng thậm trí ở những gia đình giàu có mâm cỗ trung thu trở nên xa xỉ hơn rất nhiều.
2.Bánh trung thu
Ngày xưa: Bánh trung thu là bánh nướng, bánh dẻo truyền thống được làm thủ công từ bột, trứng với nhân đậu xanh hay thập cẩm (hạt dưa, mứt, bí, thịt gà, lá chanh,…). Cả nhà cùng ngồi ngắm trăng rằm tròn vành vạnh, thưởng thức hương vị của món bánh cổ truyền và nhâm nhi tách trà ấm nóng trong không khí đoàn viên là cách người xưa đón Tết Trung Thu về.
Ngày nay: Bánh Trung thu được sản xuất công nghiệp, đa dạng hơn với đủ loại hương vị. Nào là vi cá, bào ngư, trà xanh, đậu đỏ, than tre, thạch rau câu,… hay có cả bánh cho người ăn chay, tiểu đường. Bánh cũng được đúc từ nhiều khuôn hình với hoa văn tinh xảo, phù hợp làm quà biếu tặng. Sự thay đổi này đáp ứng cả về khẩu vị lẫn thị hiếu người tiêu dùng.
3.Địa điểm vui chơi
Ngày xưa: đa số mọi người sẽ cùng nhau sum vầy bên mâm ngũ quả, nghe kể chuyện chị Hằng, chú Cuội. Hay í ới kéo nhau ra sân đình trông trăng, tham gia rước đèn, xem múa lân, phá cỗ cùng nhau. Dù chỉ là miếng bánh, cái kẹo đơn sơ nhưng cũng đủ để tạo nên những khoảnh khắc tuổi thơ đáng nhớ. Thời đó cũng chưa có nhiều đèn điện nên trăng dường như sáng hơn, không khí trong lành, ấm áp hơn đặc biệt ở những nơi làng quê ngày trước thậm chí còn chưa có đèn điện mà chỉ thắp đèn dầu thì có lẽ ngày này sẽ là ngày trăng sáng nhất trong năm, tròn vành vạnh sáng cả một vùng quê.
Ngày nay: khi nhịp sống hiện đại thay thế dần văn hóa làng xã, nhà cửa mọc san sát nhau thì hiếm thấy lại cảnh đó. Bây giờ có rất nhiều khu vui chơi, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, phố đi bộ,… mở ra với đủ các trò chơi giải trí thu hút cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Mọi người có tâm lý hưởng thụ và hướng ngoại hơn. Họ tận hưởng Trung thu bằng việc ăn uống ở quán xá, nhà hàng, dạo phố, tham gia các sự kiện Trung thu, trò chuyện qua mạng xã hội, chia sẻ niềm vui qua những tấm hình check-in sống ảo...
4.Các trò chơi Trung thu
Trò chơi cũng là điểm khác biệt giữa Trung thu xưa và nay.
Ngày xưa: Khoảng 20 năm về trước, hình ảnh chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bồi, đèn làm từ lon bia, lon sữa bò, mặt nạ các nhân vật trong Tây du ký,…rất quen thuộc mỗi dịp Trung thu đến. Và rồi, đám trẻ con nối đuôi nhau đi rước đèn, đi theo đoàn múa lân quanh làng, chơi bịt mắt bắt dê, trốn tìm, rồng rắn lên mây, hát đồng dao,…
Ngày nay: Đồ chơi ngày càng nhiều, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã phong phú và bắt mắt và các địa điểm vui chơi cũng nhiều không đếm xuể (công viên, nhà hát, trung tâm thương mại, thậm trí là những nhà hàng, khách sạn mọc lên nhan nhản) đều là những địa điểm để cho trẻ em vui chơi. Đèn ông sao bằng giấy thay bằng nhựa, có gắn đèn, phát được nhạc, đồ chơi chạy bằng pin, sạc điện,… Các trò chơi hiện đại như điện tử, xe đụng, bowling, trượt băng, nhà bóng, gắp thú, bắn cá… cũng đã dần thay thế các trò xưa cũ.
5. Quà tặng tết trung thu
Ngày xưa: Cứ gần tới Rằm tháng 8, người lớn lại tự tay làm hay mua những món đồ chơi truyền thống, thủ công như đèn lồng, đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ, trống,… để tặng cho trẻ nhỏ cầm chơi. Những món đồ rất đơn giản, được làm từ giấy màu, giấy bóng kính, keo dán nhưng vô cùng bắt mắt và nhiều màu sắc khiến đứa trẻ nào thời bấy giờ cũng ngóng chờ để cầm khoe với bạn bè mỗi dịp thu về.
Ngày nay: Xã hội ngày càng phát triển, trung thu cũng ngày càng hiện đại, người lớn đều bận rộn và có những lo toan riêng. Hiếm thấy ông, bố bà mẹ nào có thời gian ngồi tỉ mẩn làm những món đồ chơi truyền thống như vậy. Thay vào đó quà tặng cho trẻ giờ bán sẵn ngoài thị trường, vừa đa dạng, hợp xu hướng. Chỉ cần ra cửa hàng mua về là xong (như siêu nhân, ô tô, xe máy hoặc bup bê công chúa, gấu bông, vương miện...
Trung thu xưa và nay, ngày càng có sự khác biệt. Ngày xưa, Trung thu là Tết của thiếu nhi, là ngày sum họp gia đình, cả nhà cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng. Ngày nay, Trung thu là dịp để mọi người từ lớn đến bé dành thời gian đi chơi bên ngoài nhiều hơn. Ngoài ra, Trung thu đối với các doanh nghiệp, công ty còn có ý nghĩa thương mại, kinh tế nhiều hơn. Thông qua hoạt động tổ chức sự kiện Trung thu, doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu hay tìm kiếm những đối tác tiềm năng.
Trung thu ngày nay dường như đã không còn mang lại cảm giác háo hức, bồi hồi như xưa. Nhưng đây là quy luật cuộc sống, khi xã hội đổi thay, những thói quen và hoàn cảnh cũng thay đổi theo. Thế nhưng, dù ở thời điểm nào, dù người ta có đón trung thu theo nhiều cách khác nhau, Trung thu vẫn là lễ đoàn viên, là dịp để cả gia đình quây quần, cùng sẻ chia những yêu thương và quên đi những ưu phiền trong cuộc sống. Còn bạn, bạn thích Trung thu của ngày xưa hay Trung thu của bây giờ, hãy chia sẻ cùng Sadu nhé!
Comentários