Mỗi độ tuổi khác nhau thường gặp những vấn đề sức khỏe riêng, hiểu rõ và lắng nghe cơ thể mình mỗi ngày sẽ giúp chúng ta chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật và phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Trong bài viết này, Sadu sẽ chia sẻ đến các bạn “Một số bệnh thường gặp theo từng độ tuổi ở người trưởng thành” để các bạn có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho mình được tốt nhất theo từng độ tuổi nhé.
Giai đoạn 18 - 30 tuổi
Có thê nói đây là lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, là độ tuổi mà sức khỏe đang rồi rào, sung sức do vậy ở lứa tuổi này đa số rất ít người bị mắc bệnh. Tuy nhiên, ở số ít người tuổi này vẫn có thể mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu là do thói quen, lối sống thiếu khoa học, không lành mạnh gây nên bệnh tật như: ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu bia, ăn uống các thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến cơ thể hay bị stress, mất ngủ trầm trọng trong thời gian dài. Lâu dần các chất độc hại tích tụ trong cơ thể không được thanh lọc, đào thải ra ngoài và gây bệnh cho cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân điển hình dẫn đến các bệnh tật ở lứa tuổi này. Điển hình như các bệnh tim mạch và biến chứng tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; các bệnh tiêu hóa, thực quản, dạ dày, đại tràng, gan mật như viêm gan, xơ gan, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia.
Ngoài ra, ở độ tuổi 18 - 30 tuổi, cả phụ nữ và nam giới đều cần quan tâm đến sức khỏe sinh sản và những bệnh có thể mắc phải như: viêm tuyến tiền liệt ở nam; viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung…Hiện nay con số này đang ngày càng tăng lên là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh vô sinh, hiếm muộn đang gây áp lực không nhỏ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của lứa tuổi này.
Giai đoạn 30 - 50 tuổi
Tuổi 30 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của bạn, là thời điểm lý tưởng để thiết lập những mục tiêu lâu dài về gia đình, sự nghiệp và tài chính với mục tiêu rõ ràng. Ở tuổi 30, bạn không chỉ chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, mà còn là gia đình, công việc, hay những mối quan hệ xung quanh.
Sau 30 tuổi, đa số chúng ta thường đang trong guồng quay bận rộn của cuộc sống với việc phát triển sự nghiệp, chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình nội - ngoại hai bên... nên cuộc sống phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng.
Chính vì vậy mà những bệnh thường gặp ở độ tuổi này là đau đầu, căng thẳng, gia tăng nguy cơ mắc hội chứng đau ống xương cổ tay (ở người làm việc văn phòng, đánh máy vi tính nhiều), tăng nguy cơ viêm loét dạ dày-tá tràng do việc ăn uống kém điều độ, thiếu khoa học, căng thẳng, áp lực trong trong công việc và những lo toan trong cuộc sống.
Ở phụ nữ, ngoài một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa, chị em còn cần chú ý các bệnh tuyến vú thường gặp ở giai đoạn 30-50 tuổi như: xơ nang tuyến vú lành tính, ung thư vú. Ngoài ra, trầm cảm sau sinh, đái tháo đường, ung thư tuyến giáp cũng là những bệnh chị em dễ mắc phải ở độ tuổi này.
Với nam giới, nên chú ý các bệnh gan mật như: viêm gan, xơ gan do sử dụng nhiều rượu bia, gan nhiễm mỡ, sỏi túi mật do chế độ ăn nhiều dầu mỡ; các loại ung thư như: ung thư vòm họng, ung thư thanh quản... đều diễn ra ở những lứa tuổi này.
Giai đoạn 50-65 tuổi
Bước sang tuổi 50, con người thường hay bị ám ảnh bởi nhiều nỗi lo, trải dài từ vóc dáng, sức khỏe cho đến nỗi sợ hãi bị bỏ rơi trong chính gia đình mình. Chưa kể, những thay đổi về tâm sinh lý cũng tác động mạnh mẽ đến hành vi của chúng ta. Những mối lo và bất an đó kéo dài sẽ tạo ra những cuộc “khủng hoảng tuổi 50” hay “khủng hoảng tuổi trung niên” mà nếu không được xử lý thích hợp sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính bản thân ta cũng như gia đình.
Kéo theo đó, ở độ tuổi 50-65 tuổi, các bệnh lý xương khớp thường tiến triển, nhất là ở phụ nữ. Phụ nữ thường gặp phải các vấn đề như: loãng xương, đau lưng, đau mỏi cổ vai gáy, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống... Các bệnh tim mạch, các bệnh rối loạn nội tiết và chuyển hóa như: đái tháo đường, rối loạn lipid máu... cũng thường gặp ở phụ nữ trong nhóm tuổi này.
Trong khi đó, nam giới ở độ tuổi trung niên thường gặp các bệnh liên quan đến gan, thận và bàng quang như: sỏi thận, ung thư thận, ung thư bàng quang (đặc biệt ở những người hút thuốc lá), ung thư gan..., các bệnh tim mạch, phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt, gout, ung thư phổi...
Giai đoạn trên 65 tuổi
Cơ thể mỗi người sẽ không ngừng biến đổi theo độ tuổi, đôi khi những biến đổi sinh lý thông thường ở người lớn tuổi lại bị nhầm lẫn thành những vấn đề bất thường. Không chỉ có sự biến đổi về sinh lý, những người cao tuổi sẽ có khả năng mắc một số bệnh lý cao hơn khi còn trẻ.
Ở người cao tuổi, do các chức năng trong cơ thể bị suy giảm theo thời gian, sức khỏe của người ở độ tuổi này yếu dần, nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn và các bệnh mạn tính dễ tái phát, dễ gây biến chứng hơn. Người cao tuổi thường mắc các bệnh như: bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh van tim…, các bệnh hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, các bệnh hệ tiêu hóa như: táo bón, viêm đại tràng mạn tính, trào ngược dạ dày thực quản…, bệnh thần kinh trung ương như: rối loạn tiền đình, sa sút trí tuệ, Parkinson, Alzheimer...). Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần lưu ý những vấn đề đe dọa sức khỏe như các bệnh ung thư (ung thư phổi, ung thư gan, ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt.... hoặc các bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh như: bệnh cơ xương khớp, đục thủy tinh thể.
Nói chung, những biến đổi sinh lý ở người cao tuổi có liên quan mật thiết tới những bệnh lý ở người già. Do vậy, thường xuyên tầm soát và khám định kỳ là điều cần thiết để phát hiện sớm bệnh lý ở người cao tuổi.
Sự lão hóa tự nhiên, tác động của lối sống, môi trường có thể gây ra những biến đổi bất lợi cho cơ thể, khiến nhiều bệnh lý xuất hiện âm thầm. Do đó, dù ở độ tuổi nào, mỗi người cũng cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách ăn uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh. Việc tuân thủ và áp dụng nguyên tắc ăn uống khoa học không chỉ mang đến một cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp bạn phòng tránh và đẩy lùi mọi bệnh tật. Cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho mỗi độ tuổi bởi vì khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp xác định những yếu tố nguy cơ mắc bệnh, phát hiện nhiều bệnh lý từ sớm, từ đó chữa trị bệnh hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Việc đi khám cũng là cơ hội để được bác sĩ tư vấn các phương pháp phòng tránh bệnh và thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc, từ đó giúp người bệnh có sức khỏe tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hy vọng rằng những thông tin mà Sadu chia sẻ trên đây sẽ phần nào hữu ích đối với bạn. Chúc bạn luôn có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình mình một cách tốt nhất tại mỗi giai đoạn của cuộc đời, để luôn sống vui sống khỏe mỗi ngày bạn nhé.
Comments