Từ xưa đến nay, trà không thể thiếu trong những dịp Tết ở mỗi gia đình Việt. Món quà mà con cháu biếu ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đấng sinh thành. Uống trà đã trở thành việc không thể thiếu trong những câu chuyện đầu năm, khách đến chơi nhà thưởng trà, trò chuyện trong không khí rộn ràng của mùa xuân mới.
Quả đúng như vậy, ngày tết mà thiếu trà là thiếu hương vị đậm đà, hương vị của tết. Người xưa xem trà như lẽ sống, người nay cũng lấy trà làm bạn tri âm, người tri kỉ.
Một người bạn hiền, một khung cảnh ấm áp, nâng chén trà thơm cho nhau một chút tình đời, ý đạo, còn gì thú vị hơn. Trà cũng còn đem lại sự an lạc, thư giãn sau những giờ phút làm việc mệt nhọc, căng thẳng. Uống trà để lấy lại thăng bằng tâm lý, cơ hội thưởng thức một thú vui, là nghệ thuật giữ cho tâm hồn thanh cao, an tĩnh. Trà cũng được người Việt ta đem tặng nhau nhân ngày tết, cầu chúc cho sự thanh thản, an lành và bình an. Đây được xem như một món quà tết tao nhã và đầy thi vị cho những ngày tết đoàn viên.
Các cụ ta từng có cái nhìn tinh tế “nhất thủy - nhì trà - tam bôi - tứ bình - ngũ quần anh”. Để có chén trà ngon, loại trà chỉ xếp vào hàng thứ hai, mà quan trọng hàng đầu là nước pha trà, phải là nước tuyết tan, nước mưa hứng giữa trời, nước suối thiên nhiên, hoặc nước giếng sâu. Cách đun nước cũng kén chọn. Không đun nước bằng củi, bằng dầu, mà phải đun bằng than để không làm mất đi mùi vị của trà. Cũng không đun nước sôi sùng sục, mà chỉ sôi sủi tăm, sôi đầu nhang, nhiệt độ khoảng trên 800C, để trà không bị mất mùi, không bị cháy khê.
Quan trọng thứ ba, là chỉ uống trà bằng chén nhỏ và trước khi rót trà cần tráng chén bằng nước sôi để làm nóng và sạch chén. Ấm pha trà đứng hạng thứ tư. Tùy vào số lượng người thưởng thức trà mà chọn kiểu bình, kiểu ấm khác nhau, độc ẩm, song ẩm, hay quần ẩm. Ấm đã được làm nóng, nhưng cũng cần rửa trà bằng một ít nước sôi, gọi là “tráng”, sau đó đổ đi cho nước mới vào để trà nở đều và đậm hương vị.
Phong cách mời trà của người Việt cũng rất công phu. Sau khi tráng chén bằng nước sôi cho sạch và giữ nhiệt, người ta xếp các chén vào sát nhau thành một vòng tròn. Đó là thể hiện sự gắn bó giữa con người, thể hiện tình làng nghĩa xóm cũng như mong ước cuộc sống viên mãn, đủ đầy. Khi rót trà theo hình tròn từ đầu đến cuối, rồi vòng ngược lại. Rót như thế làm cho chén trà nào cũng đậm nhạt như nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa chủ và khách trong hưởng thụ tinh túy của thiên nhiên, trong quan hệ xã hội, thể hiện ý nghĩa cái đạo của trà Việt.
Trong tất cả các thức uống, có thể nói uống trà được xem là nghệ thuật tinh tế và đặc sắc nhất. Người xưa thường nói “uống một tách trà, đi xa vạn dặm” là vậy. Thưởng trà không đơn thuần chỉ là thỏa mãn nhu cầu uống mà nó còn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống, được đặc biệt chú trọng trong ngày Tết cổ truyền.
Vào những ngày xuân năm mới, pha một ấm trà nóng, hương vị trà Việt dường như giúp con người giao hòa với trời đất, gần gũi hơn với thiên nhiên, khiến cho mọi lo toan thường nhật tan biến, chỉ còn lại sự bình yên, thanh tịnh với câu chuyện hàn huyên ấm cúng.
Trong những ngày Tết sum vầy, một ấm trà thơm ngon dường như làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn, làm cho những câu chuyện đầu năm thêm ý nghĩa, vẹn tròn.
Comments